Đừng chờ “thẻ vàng” mới loại bỏ kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi
Đừng chờ “thẻ vàng” mới loại bỏ kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi
(ĐCSVN) – Xét trên lợi ích trước mắt và tác hại lâu dài, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thì ngay từ bây giờ, nên cấm đưa kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi. Đừng để chờ có thẻ vàng của Châu Âu, Châu Mỹ hay Nhật Bản mới hành động…
Đây là đề xuất của đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) khi thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Chăn nuôi chiều 7/11.
Đã đến lúc phải cấm
Báo cáo giải trình, tiếp thu về Dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Chăn nuôi.
Trong đó, một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa các quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh cho chặt chẽ, tránh tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và phù hợp với quy định của pháp luật về thú y. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa và quy định nghiêm cấm “sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam”, “sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng”.
Bày tỏ không đồng tình với quy định sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhấn mạnh, “đã đến lúc phải cấm việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi chứ không cho phép sử dụng nữa”. Bởi lẽ, tình trạng lạm dụng sử dụng thuốc kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi hiện nay tương đối phổ biến. Kháng sinh được đưa vào thức ăn nhằm ngăn ngừa vật nuôi mắc bệnh, tuy nhiên kết quả lại làm tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của nhiều chủng loại vi khuẩn gây bệnh.
Đại biểu Trần Văn Lâm cũng chỉ ra thực tế, thuốc kháng sinh tồn tại trong các sản phẩm vật nuôi khiến nhiều lô hàng của chúng ta xuất khẩu ra nước ngoài bị đối tác trả lại vì kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.
Đại biểu cũng đề nghị không quy định thức ăn chăn nuôi trong kháng sinh chỉ được sử dụng cho chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn còn non và trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh. Đại biểu phân tích, con non sử dụng thức ăn có kháng sinh thì cũng làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, có những kháng sinh thay thế chức năng này. Do đó, khi lớn lên ăn thức ăn thông thường vật nuôi sẽ dễ mắc bệnh hơn. Hơn nữa, nhiều vật nuôi khi là con non đã là sản phẩm tiêu dùng, thậm chí là đặc sản như: lợn sữa, bê, nghé…
Từ những phân tích trên, đại biểu nhấn mạnh: “Xét trên lợi ích trước mắt và tác hại lâu dài, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thì ngay từ bây giờ nên cấm đưa kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi, đừng để chờ có thẻ vàng của Châu Âu, Châu Mỹ hay Nhật Bản mới hành động. Không thể chần chừ, nên tách bạch thức ăn với thuốc để quản lý kiểm soát chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, tránh lạm dụng”.
Băn khoăn quy định “nhân đạo” với vật nuôi
Thảo luận dự án Luật Chăn nuôi, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến Điều 70, quy định việc đối xử nhân đạo với vật nuôi trong giết mổ. Theo nhiều đại biểu, đây là một trong những quy định thiếu tính khả thi tại dự Luật.
Cụ thể, điều luật này yêu cầu cơ sở giết mổ phải có nơi lưu giữ bảo đảm vệ sinh, cung cấp nước uống phù hợp với loại vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) băn khoăn, trước khi giết mổ mà phải hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi thì có khả thi không? “Tôi nghĩ quy định như vậy là vô lý và rất khó thực hiện”, đại biểu nói.
Về quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, đây là quy định thể hiện tính nhân đạo của con người với vật nuôi và cũng phù hợp với quy định trên thế giới trong đối xử với động vật. Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng bày tỏ sự băn khoăn về tính khả khi của quy định này. Bởi hiện nay, lực lượng kiểm tra của Nhà nước với hoạt động này rất ít, dễ dẫn đến việc không kiểm soát được việc sử dụng biện pháp gây ngất, từ đó, có thể lạm dụng thuốc trong thực hiện biện pháp, dẫn đến chất lượng sản phẩm của vật nuôi không an toàn khi sử dụng. “Tôi đề nghị quy định về sử dụng thuốc gây ngất trước khi giết mổ là thuốc được phép sử dụng…” đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu.
Cũng góp ý về quy định tại Điều 70, đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) cũng cho rằng, quy định có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ chỉ phù hợp với mô hình cơ sở giết mổ tập trung, còn các điểm giết mổ nhỏ lẻ, hộ gia đình thì quy định như thế nào. Đề nghị ban soạn thảo quy định cụ thể cơ sở giết mổ trong chăn nuôi vì trong dự thảo đảm bảo công tác quản lý cơ sở giết mổ trong thực tế.
“Biện pháp gây ngất áp dụng biện pháp cụ thể nào, điện giật hay đánh ngất hay hình thức nào để khi ban hành luật phát huy hiệu quả trong thực hiện” – đại biểu Tống Thanh Bình nói.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, việc đối xử nhân đạo với vật nuôi là quy định phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cụm từ “nhân đạo” sử dụng ở dự thảo Luật đối với động vật chưa phù hợp, nên thay cụm từ ‘nhân đạo’ bằng cụm từ ‘đối xử không tàn bạo với vật nuôi’ – đại biểu Trần Văn Lâm đề xuất./.
Kim Thanh